Vũ Thành An và những bài không tên

Nhắc đến nhạc sỹ Vũ Thành An, có lẽ tất cả những ai yêu nhạc đều nhớ đến khoảng 40 bài ‘không tên’. Tuy nhiên nếu có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về nhà nhạc sỹ, chúng ta mới khám phá nhiều điều thú vị về một trong những nhạc sỹ có khuynh hướng sáng tác rất riêng nổi tiếng vào cuối những năm 1960 ở miền nam Việt Nam (cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, v.v.)

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ VŨ THÀNH AN
(Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki/Vũ_Thành_An)

Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định.

Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào miền Nam.

Năm 1960, ông vào học trường trung học Nguyễn Trãi, có theo học nhạc sĩ Chung Quân cùng Ngô Thụy Miên, Đức Huy.

Năm 1961 ông thi hỏng Tú tài và về trường Hưng Đạo học tiếp Đệ nhị.

Năm 1963, Vũ Thành An thi đậu Tú tài toàn phần. Sau đó ông được linh mục Trần Đức Huynh, giám đốc trường Hưng Đạo cho dạy lớp Đệ thất để có tiền học Đại học.

Cuối năm 1963, Vũ Thành An vào làm phóng viên ở Đài phát thanh Sài Gòn, ở đó ông gặp nhà thơ Nguyễn Đình Toàn.

Năm 1965, ông viết Tình khúc thứ nhất, thơ Nguyễn Đình Toàn và nổi tiếng ngay từ ca khúc đầu tay đó. Những năm tiếp theo, ông viết nhiều Bài không tên khác.

Năm 1967, Vũ Thành An nhập ngũ khóa 25 Sĩ quan dự bị Thủ Đức và 1969 ông lập gia đình.

Năm 1969, ông phát hành tập nhạc Những bài không tên. Các tác phẩm của Vũ Thành An được yêu thích ở khắp miền Nam khi đó. Người ta có thể nghe tại gần như hầu hết các quán cà phê nhạc của Sài Gòn và những thành phố lớn khác, tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh. Tên tuổi của Vũ Thành An cùng với Tình khúc thứ nhất, Em đến thăm anh đêm ba mươi và các Bài không tên gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. Vũ Thành An cùng với Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương tạo thành một lớp nhạc sĩ mới đầy tài năng.

Năm 1971, Vũ Thành An tốt nghiệp đại học Luật khoa Sài Gòn.

Ông tiếp tục làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn với cấp bậc sĩ quan, và trải qua nhiều chức vụ: Trưởng cơ sở dân vận Gia Định 1973, Trưởng phân khối văn hóa, Phụ tá trưởng khối chương trình, Trưởng khối chương trình và Trưởng phân khối kế hoạch hệ thống truyền thanh 1974.

Ngày 30 tháng 4 1975, Vũ Thành An là người cuối cùng rời Đài phát thanh Sài Gòn, lúc 10 giờ 30 giờ sáng. Sau đó ông bị tù cải tạo suốt mười năm dài từ 1975 đến 1985 tại miền Bắc.

Theo lời Vũ Thành An, ông bắt đầu sáng tác Thánh ca, Những Bài Nhân Bản trong thời gian cải tạo từ năm 1981.

Năm 1991, Vũ Thành An rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1996, ông ghi danh học chương trình Cao học Thần học của Tổng giáo phận Portland, Oregon.

Năm 2000, Vũ Thành An được đào tạo làm chức Phó Tế và phụ trách Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại ở Portland, Oregon. V

ũ Thành An ngừng sáng tác tình khúc và chỉ tiếp tục soạn các bản thánh ca, và tham gia các công việc từ thiện.

“TÌNH KHÚC THỨ NHẤT” VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN VỚI NHÀ THƠ – NHẠC SỸ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

Nhạc sỹ Vũ Thành An viết nhạc từ rất sớm: ngay từ khi học lớp đệ tứ, tức lớp 9 ngày nay. Sáng tác đầu tay đã bị người thầy là nhạc sỹ Chung Quân (tác giả bản nhạc bất hủ “Làng tôi” – Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh …) chê, nói chính xác là chê phần lời. Thế là nhà nhạc sỹ của chúng ta chỉ sáng tác phần nhạc và để đó.

Mãi đến khi vào làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn và có dịp gặp gỡ rồi làm quen với nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Toàn và được sự giúp đỡ và động viên của nhà thơ thì Vũ Thành An của chúng ta mới tự tin hơn và dần dần tự đặt lời cho những ca khúc của mình. Năm 1965, khi mới 22 tuổi, Vũ Thành An vụt nổi tiếng với “Tình khúc thứ nhất”, phần nhạc Vũ Thành An và phần lời của Nguyễn Đình Toàn. Đây có thể nói là sáng tác đầu tiên của Vũ Thành An được công chúng biết đến.

“BÀI KHÔNG TÊN CUỐI CÙNG” NHƯNG LẠI LÀ BÀI ĐẦU TIÊN TRONG LOẠT NHỮNG “BÀI KHÔNG TÊN”

Cũng trong năm 1965, mối tình đầu của nhà nhạc sỹ tan vỡ. Tâm sự ấy đã được Vũ Thành An gởi gắm vào “Bài không tên cuối cùng”. Chữ “cuối cùng” ở đây mang ý nghĩa đó là kỷ niệm cuối cùng với người con gái mà nhà nhạc sỹ đã thầm yêu.

Theo lời tự sự của chính nhà nhạc sỹ, tác phẩm này vô tình đã gây nhiều đau khổ cho “người con gái” trong cuộc sống. Vì thế cho nên năm 1991, ngay khi đặt chân đến trại tỵ nạn, Vũ Thành An viết ngay “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” nhưng là một phần để xoa dịu nỗi đau ngày xưa:

“Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng đấy em ơi …”

[footer]

5 bình luận về “Vũ Thành An và những bài không tên”

  1. Từ những ngày còn rất trẻ 15-16t thông qua một số bạn học người Miền Nam tôi đã biết ông và những bài Không tên bất hủ của riêng ông. Và từ đó đến nay tôi vẫn hoài nghe và nhẩm theo những ca từ tha thiết, u hoài đó để sống hiền hơn! Tôi cảm ơn ông!

  2. Bài không tến số 4 có mấy chữ “nhục hình”, “tội tình” trong câu hát sau mà tôi không đủ hiểu biết để hiểu. Có ai đó hiểu được những câu này, xin làm ơn cắt nghĩa giùm:

    “Khóc cho vơi đi những nhục hình, nói cho quên đi những tội tình / Đời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai…”

    Cảm ơn rất nhiều!

    1. Tôi nghe Bài Không Tên Số 4 trong thời gian vừa tốt nghiệp ĐH, chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn và tạm chấp nhận làm các công việc ticket sales, waiter cho một sàn nhảy ở Hanoi. các công việc đều bắt đầu từ 18:00 và thường kết thúc lúc 2:00 sáng ngày hôm sau. Trong hơn 1 năm làm việc tại đây tôi thật sự được nhìn thấy cuộc sống và xã hội ở một góc nhìn khác, góc nhìn về đêm mà ở đó thân phận của những cô đào có thể được quan sát từ rất gần và rất thật… Trong ánh đèn chớp và tiếng nhạc ầm ĩ nhìn họ (những cô đào) rất lung linh sôi động. Nhưng khi Bài Không Tên Số 4 cất lên nhẹ nhàng, ánh đèn dịu xuống màu vàng nhạt (và thì đào được tạm nghỉ, ngồi trong 1 góc cánh gà của vũ trường), tôi đã nhận ra bài hát của Vũ Thành An rất nhân bản, đầy tình người. Từ đó tôi nhìn nhận nghề làm đào nhân văn hơn, với tình thương con người nhiều hơn là việc đặt ra những câu hỏi tại sao các cô lại chọn nghề này – tôi thấy không cần thiết phải tự hỏi câu hỏi ấy nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *