Xe đạp ơi (Phương Thảo – Ngọc Lễ)

Nhân dịp nói về xe đạp trong âm nhạc, sẽ là rất thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến bản “Xe đạp ơi”, ca khúc đã ghi dấu ấn của cặp đôi Phương Thảo – Ngọc Lễ. Theo chia sẻ của chính tác giả: “Ngọc Lễ có nhiều kỷ niệm với chiếc xe đạp cà tàng của mình. Chiếc xe đạp mang trên lưng những cuộc tình thơ dại đáng yêu nhưng không phải với Phương Thảo. Ngay cả Thảo cũng có những kỉ niệm riêng với cuộc tình xe đạp không phải với Ngọc Lễ (cười). Khi không còn đi xe đạp nữa, nhìn các bạn trẻ chở nhau trên chiếc xe đạp, những vòng xe cứ quay đều như vòng thời gian mang theo bao kỉ niệm vui buồn. Điều đó đã mang đến cảm xúc cho Lễ viết bài hát này”. (Nguồn: TheThaoVanHoa.vn)

Xe đạp ơi

(Nguồn: bài viết của tác giả Bảo Anh đăng trên laodongthudo.vn ngày 2016-02-25)

Xe đạp ơi…. đã qua rồi còn đâu? Chiếc xe đạp một thời gắn bó và chứa đựng tuổi thơ và hoài niệm của bao người…

Mấy chục năm trước, chiếc xe đạp là tài sản mơ ước của nhiều gia đình, giá bằng cả cây vàng và được giữ gìn như vật báu.

Đi đâu người ta cũng khóa xe rất cẩn thận phòng kẻ cắp rình bẻ khóa lấy đi một tài sản lớn. Trong nhà, xe đạp được để ở vị trí trang trọng, có gia đình còn đặt nó trên một cái giá đỡ bằng gỗ. Nhiều người phải dành dụm vài năm mới mua được một chiếc xe.

Có một thời, chiếc xe đạp như một vật nói lên sự giàu có của người ngồi trên đó. Chỉ có những gia đình có tiền hoặc có người nhà đi công tác nước ngoài mới mua được những chiếc xe đạp ngoại như Peugeot, Aviac hay Mercie của Pháp hoặc Favorite của Tiệp Khắc, Diamant của Đức, xe đạp cuốc ghi đông cong Sputnic của Liên Xô..v..v.

Những năm ấy, tôi đã đạp xe trên phố từ nhà đến trường, con đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu như rộng thênh thang với hai hàng sấu xanh ngắt, mát rượi.

Những ngày sơ tán ra ngoại thành quanh Hà Nội, chiếc xe đạp còn là phương tiện thồ bao nhiêu thứ từ Hà Nội về nơi sơ tán, nào gạo, dầu, mùn cưa…đạp xe mấy chục cây số vẫn thấy khỏe.Nhiều người nhận xét con gái thời xưa đi xe đạp bao giờ cũng khép chân, đầu gối gần sát vào khung xe, đầu ngón chân đặt trên bàn đạp, không khuỳnh tay dạng chân, không phóng nhanh. Người ngồi sau không đặt tay vào đùi hoặc bụng người đằng trước vì cho là không đứng đắn.

“Một yêu anh có Sen-kô (đồng hồ đeo tay hiệu Seiko của Nhật). Hai yêu anh có Pơ – giô cá vàng (xe đạp Peugeot màu cá vàng). Ba yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô”. Xe đạp trở thành một trong những tiêu chí chọn chồng của các cô gái thời đó. Những thanh niên mới lớn coi xe đạp là thứ đồ hàng hiệu, việc được ngồi sau cũng là một niềm hãnh diện lớn.

Tập đi xe đạp là ký ức tuổi thơ khó quên của nhiều người. Những đứa trẻ nhỏ thó, chân còn ngắn nên không ngồi hẳn lên yên được mà cứ nhấp nhổm theo những vòng quay của bánh xe. Thậm chí, các em còn phải vẹo hẳn lưng sang một bên, thò chân qua dóng ngang xe nam để đạp xe nhưng vẫn hăng say tập. Biết đi xe đạp là một tiêu chuẩn sự trưởng thành của lũ trẻ con thời ấy. Nhưng không có chuyện đua xe, bốc đầu như bây giờ.Ký ức xe đạp một thời gian khó, thèm lắm cái những con đường thênh thang chứ không chật kín ôtô xe máy như bây giờ. Chẳng có tiếng còi xe inh ỏi, không có ô nhiễm sặc mùi khói xăng, cũng chẳng có những tai nạn kinh hoàng đắp chiếu. Có đi ra nước ngoài mới thấy người ta bây giờ vẫn khuyến khích đi xe đạp. Vừa là bảo vệ môi trường vừa là an toàn cho chính bản thân.

Tình yêu của tôi cũng bắt đầu trên yên chiếc xe đạp. Cái thời ngây ngô chiều thứ bảy lau chùi cẩn thận chiếc xe cà tàng để đưa đón người yêu. Chả đi đâu xa, loanh quanh Bờ Hồ tụ tập xem ca nhạc miễn phí ở các tụ điểm công cộng.

Có một thời như thế, xe đạp ơi!

Bảo Anh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *