Xuân họp mặt (Văn Phụng)

Trên đường từ quê Ngoại ở Bến Tre quay trở lại Sài Gòn sau tết Giáp Ngọ 2014, chúng tôi có hỏi cô con gái nhỏ (mới 7 tuổi, đang học lớp một) về “điều gì làm con thích nhất mỗi khi về quê ăn tết?” Thật bất ngờ khi câu trả lời là “con được họp mặt và chơi với các anh chị”. (Xin mở ngoặc nói thêm ‘các anh chị’ ở đây là các anh chị họ, bé vẫn chưa có anh chị em ruột) Thật trùng hợp, trong thâm tâm của Dòng Nhạc Xưa chúng tôi, những người không còn trẻ, ngày xuân ngày tết cũng chính là những ngày của sự “họp mặt”: với ông bà, cha mẹ, các bạn thời niên thiếu, bà con chòm xóm và cả cô láng giềng. Cũng nhờ tinh thần “họp mặt” này mà dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng và đáng trân trọng như thế!

Mong sao truyền thống “xuân họp mặt” sẽ mãi trường tồn cùng quê hương Việt Nam của chúng ta, như một bản nhạc xuân nổi tiếng viết năm 1973 của cố nhạc sỹ Văn Phụng.

Xuân họp mặt (Văn Phụng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Xuân họp mặt (Văn Phụng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
xuan-hop-mat--1--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
xuan-hop-mat--2--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
xuan-hop-mat--3--van-phung--dakto--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

KHÔNG CÒN TẾT

(Nguồn: tạp văn của Lê Minh Nhật đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Sáng mùng bốn, mẹ bưng cặp dưa hấu trên bàn thờ gia tiên xuống, mấy đứa cháu tròn mắt: Hết tết rồi hả ngoại? Ờ, người lớn thì hết nhưng con nít vẫn còn đến ra giêng.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Chưa chắc, con thấy người lớn thường ăn tết lâu hơn con nít. Đứa cháu nổi tiếng có năng khiếu lý sự lại “trở chứng vặn vẹo” đầu năm.

Những đứa con của mẹ, trễ nhất là chiều mùng hai chúng đã tề tựu đông đủ dưới mái nhà mà cách nay mấy chục năm trước chúng lần lượt được sinh ra. Chỉ năm đứa ban đầu, sau đó nhân lên gấp đôi khi dựng vợ gả chồng; cứ mỗi năm, trong số đó ít nhất lại “đóng góp” cho việc tăng dân số trên toàn cầu một cá thể. Tính đến cái tết này thì đã tăng gấp bốn lần so với nguyên trạng.

Chiếc bàn tròn giữa nhà không còn đủ chỗ ngồi cho tất cả nên mâm cơm sum họp phải dọn trên bộ ván gõ. Bộ ván mà khi còn sống cha đã mua với sự tiên đoán tài tình rằng: Con cháu của mình sau này ngồi xếp bằng trên đó là vừa đủ!

May là nhà nước giới hạn chỉ tiêu chứ cứ thả cửa như hồi trước thì chắc cả nhà mình phải ngồi bẹp ngoài sân mới đủ chỗ. Người anh cả thay chỗ cha ngồi so đũa xưa kia, sau khi “duyệt quân số” của đại gia đình, buông câu pha trò rồi phớt lờ câu hỏi của đứa cháu ưa lý sự: Thả cửa là sao hở cậu?

Sau mâm cơm sum họp, những đứa con của mẹ lại tản ra khắp xóm để thắp nhang cho những người vắng mặt: những ông chú, ông bác, bà cô… những nhà mà cách đây vài mươi năm chúng từng để lại đó ít nhiều kỷ niệm; hễ nhắc đến con của bà Hai là người ta nhắc ngay đến cái câu: con trai con gái gì cũng phá như quỷ sứ!

Những bạn cấy, những bạn chăn trâu, phát cỏ ngày xưa, không ít đứa đến cái tết này lại “bể kế hoạch”. Thằng nuôi vợ đẻ từ lúc giao thừa chắc cho đến hết mùng, đứa bụng đội lùm lùm thẹn thùng ra cửa đón khách với ba bốn đứa con loi nhoi lít nhít chạy theo í ới. Gì thì gì, mỗi nhà cũng phải “vào ba ra bảy” mới thấm thía hết cái tình quê sau cả năm dài phờ mặt ở quê người.

Thấm thía đến nỗi cứ mỗi lượt ghé vào một nhà là thể nào cũng phải “dằn cọc” lại một người trong cánh đàn ông. Giáp vòng xóm, lúc quay về chỉ còn những “mẹ sắp nhỏ” với một bầy con nít mặt mày phờ phạc, cố ghi lại trong đầu thứ bậc của những người mà mình khoanh tay thưa gởi suốt từ sáng sớm đến chạng vạng.

Cánh đàn ông “rơi rớt” đâu đó dọc đường, chỉ còn cánh phụ nữ nhưng cũng vẫn phải ghé vào một nhà cuối cùng, thoi loi trên ngọn kinh trước khi băng tắt ngả ruộng về. Nhà của bà mụ vườn duy nhất trong xóm. Tụi con bà Hai chính một tay tui đỡ chớ ai vô đây!

Bà mụ vườn không còn để nhắc đi nhắc lại cái câu ấy mỗi khi chống gậy ra ngoài cửa, đón những đứa trẻ không còn trẻ đến thăm mình vào mỗi dịp tết. Bà đã đi theo những người cùng thời với mình vào những tháng ngày cuối cùng lạnh giá chưa từng thấy của năm cũ.

Mới năm ngoái thôi, bà còn lụm cụm soạn bộ đồ nghề của mình khi ngoài ngõ vang tiếng gọi: Em dâu con chuyển dạ rồi bà ơi! Đau gần cả tiếng đồng hồ rồi, con đậu xuồng dưới bến đợi nè, nhanh nhanh lên. Rồi tiếng cười phá lên rộn ràng làm bà sực nhớ ra: mình đã giải nghệ kể từ khi có cái trạm y tế, trước cả lúc bà tay run chân yếu mắt mờ.

Đứa con gái xưa kia nổi tiếng quậy phá hơn con trai, rưng rưng khi nhắc lại kỷ niệm của mình với bà mụ vườn.

Tết mà toàn nhắc chuyện xưa, tụi con không hiểu gì hết!

Trẻ nhỏ cằn nhằn.

Trong mắt chúng, người lớn thật lạ lùng. Họ cứ chờ đến tết để đi tìm những thứ được gọi là kỷ niệm và nhắc nhớ nó một cách nâng niu trân trọng, mặc dù chúng vô hình và quên bẵng: suốt một thời gian dài họ đã bỏ lăn lóc chúng ở nơi nào đó.

Trẻ nhỏ không hay chính chúng cũng đang bắt đầu tích cóp và bắt đầu bỏ quên. Nhiều đứa trong số chúng cất kỹ đến nỗi có lẽ trong tương lai gần sẽ không tài nào tìm ra cho được.

Lưỡi dao vừa xắn vào trái dưa hấu là đã phát ra tiếng bụp nho nhỏ. Cả một màu đỏ tươi hiện ra như một điềm báo, một lời chúc tốt lành. Mẹ phân phát hết cho con cháu, dâu rể, mỗi đứa một miếng là vừa đủ; chỉ riêng mình mẹ ngồi ngắm đàn con hối hả ăn sợ trễ chuyến xe đò cuối ngày. Sau món quà tết này, chúng lại cồn cả ra đi như chính lúc sửa soạn quay về.

Ra khỏi ngõ quê mình, những đứa con ấy đã không còn tết nữa!

LÊ MINH NHẬT

[footer]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *